Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Các câu nói nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.

Nước Việt Nam ta từ khi lập quốc đến nay kể ra cũng được nhiều nghìn năm văn hiến. Trong nhiều nghìn năm văn hiến đó, quá trình dựng nước luôn đi đôi với quá trình giữ nước. Bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu dấu ấn lịch sử đã làm nên một phần hơi thở dân tộc. Trong đó những nhân vật lịch sử, những ông vua, bà chúa, những anh hùng, danh nhân văn hóa… đã góp phần tô điểm nên diện mạo bức tranh lịch sử huy hoàng đó. Bên cạnh những việc làm, những công trạng, một trong những điểm đáng nhớ nhất của các nhân vật xuất chúng đó có lẽ phải kể đến là những câu nói. Những câu nói đó không chỉ đơn giản là lời nói bộc phát mà nó còn thể hiện tâm tư, nguyện vọng, thậm chí thể hiện phẩm chất con người, thể hiện hoàn cảnh của thời đại đó.
1. Triệu Thị Trinh
Bà Triệu hay Triệu Trinh Nương, Triệu Thị Trinh, Triệu Ẩu đều là những tên gọi chỉ vị nữ anh hùng của dân tộc ta đầu thế kỷ III. Năm 248, Bà Triệu lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống xâm lược của quân Đông Ngô, do Lục Dận, thứ sử Giao Châu chỉ huy. Nhiều nghĩa binh đã tử trận vào năm đó. Theo sử sách, bà chống đỡ với quân Đông Ngô được 5-6 tháng thì phải lui về xã Bồ Điền và cùng đường tự tử. Khi ấy, Triệu Thị Trinh mới 23 tuổi. Cũng giống Trưng Trắc và Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh quyết không để bị khuất phục.

“Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta". Câu nói bất hủ của người con gái anh hùng của dân tộc Việt đã tỏ chí khí mà ngàn sau dân Việt mãi còn kính phục.

(Hình ảnh Bà Triệu trên tranh Đông Hồ)
2. Trần Bình Trọng
Trần Bình Trọng (1259-1295) vốn là họ Lê, dòng dõi Lê Đại Hành. Tổ phụ Làm quan cho nhà Trần, có nhiều công trạng, nên được mang họ vua.  Năm 1285, quân Nguyên Mông sang xâm chiếm Đại Việt, ông được giao coi giữ thiên trường (thuộc tỉnh Nam Định ngày nay). Khi giặc đánh xuống, vì lực lượng yếu, Trần Bình Trọng bị bắt, Lý Hằng sai giải lại cho Thoát Hoan. Hoan thấy Bình Trọng người cao lớn, dáng đi hùng dũng, nét mặt đường hoàng, không có chút gì là sợ sệt thì biết không phải là tướng thường, nên muốn khuyên dỗ về hàng, liền tiếp đãi rất tử tế, mời ăn uống hẳn hoi. Nhưng Bình Trọng không ăn. Hỏi đến việc nước, Bình Trọng cũng không nói.
Sau Hoan lại hỏi: "Tướng quân có muốn làm vương đất Bắc không?". Bình Trọng trả lời: "Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Nay ta đã bị bắt thì chỉ có chết là cùng, can gì phải hỏi lôi thôi".Thoát Hoan không thuyết phục nổi Trần Bình Trọng hàng, nhưng vì có ý mến phục, cũng không nỡ giết, cho giải theo quân. Được mấy hôm, lại sợ Bình Trọng trốn mất, mới sai mang ra chém. Trần Bình Trọng bấy giờ mới 26 tuổi.
3. Hồ Nguyên Trừng
Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446) là con trai cả của Hồ Quý Ly, anh của Hồ Hán Thương. Ông là một tướng tài có công trình quân sự lỗi lạc và là người phát minh Thần cơ hỏa sang, một loại súng trường nhưng không được phổ biến. Khi Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần và sáng lập triều Hồ, Hồ Nguyên Trừng giữ chức Tả tướng quốc thời nhà Hồ.

Trong cuộc kháng chiến chống nhà Minh xâm lược, Hồ Nguyên Trừng đã nhiều lần thân chinh đi đánh giặc. Năm 1405, trước sức mạnh vũ bão của quân địch, Hồ Quý Ly cho họp quần thần để bàn kế chống giặc. Khi được hỏi, Hồ Nguyên Trừng đã nói: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Câu nói đó phản ánh nguyên nhân cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của cha con Hồ Quý Ly thất bại chính là không tập hợp được sức mạnh của nhân dân.

4. Vua Duy Tân
Vua Duy Tân (1900-1945) là vị Hoàng đế thứ 11 của nhà Nguyễn, ông lên ngôi khi chì mới 7 tuổi trong hoàn cảnh rối ren của lịch sử triều Nguyễn và thực dân Pháp xâm lược.
Vào mùa hè, Vua Duy Tân thường ra nghỉ mát ở Cửa Tùng, một cửa biển đẹp ở Quảng Bình. Một hôm nhà vua từ bãi tắm lên, hai tay dính đầy cát, viên thị vệ bưng lại một thau nước ngọt mời vua rửa tay. Nhà vua vừa rửa tay vừa hỏi đùa:
- Tay bẩn thì lấy nước mà rửa, còn “nước” bẩn lấy gì mà rửa?
Viên thị vệ lúng túng chưa biết trả lời sao thì Vua hỏi tiếp:
- Nước bẩn thì làm thế nào cho sạch?
Người thị vệ vẫn không trả lời được. Vua Duy Tân bèn nói:
- Nước bẩn thì lấy máu mà rửa!
Viên thị vệ đâu có ngờ nhà vua chơi chữ, chuyển từ nước rửa tay sang một thứ nước khác ngàn lần đáng quý trọng là đất nước, là quê hương. Khi đất nước bị dơ bẩn bởi sự chà đạp của ngoại bang thì không thể rửa sạch bằng nước mà phải rửa bằng máu. Về sau, vua Duy Tân đã đứng lên hô hào toàn dân khởi nghĩa, lấy máu đào rửa cho sạch cái nhục vong quốc.

(Vua Duy Tân lúc nhỏ)
5. Nguyễn Trung Trực
Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, làm nghề chài lưới. Năm 1861, phối hợp với Trương Định, ông đã chỉ huy đánh thắng một trận rất lớn trên sông Nhật Tảo (Bến Lức), đốt cháy tàu Étpêrăng (Hy Vọng) của giặc Pháp, giết chết nhiều địch và làm chết đuối nhiều tên khác, khiến Bôna vô cùng hoảng sợ. 
Từ năm 1867, Nguyễn Trung Trực về Hà Tiên lập căn cứ riêng ở Hòn Chông. Chiến thắng oanh liệt tiếp theo của ông là trận tập kích vào Rạch Giá năm 1868, giết tên Tỉnh trưởng và hầu hết quân Pháp trong trại. Đây là một trong những trận đánh làm rung chuyển Soái phủ Nam Kỳ. Cũng năm 1868, Nguyễn Trung Trực bị quân Pháp vây bắt tại Phú Quốc. Ông nhận án tử hình ở Rạch Giá tháng 10/1868. 
Trước khi hy sinh, Nguyễn Trung Trực đã để lại một lời nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, nước Nam mới hết người đánh Tây”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét